Wednesday, April 17, 2024

Xuân Sang - Vườn Thơ Mới Xướng Họa

 THƠ XƯỚNG HỌA KỲ 144_VƯỜN THƠ MỚI

 Xướng:

Xuân sang


















Mai đào nở rộ đón xuân sang,
Thấp thoáng lưng trời cánh én ngang.
Mặt lá sương tan viên ngọc bích,
Lòng sông nắng chiếu sợi tơ vàng.
Bên hoa thoảng gió hương thơm ngát,
Dưới liễu nghe chim hót rộn ràng.
Thảm cỏ đơm bông như bức họa,
Thiên nhiên tỉnh giấc đẹp mơ màng.

Mỹ Ngọc

Mar. 27, 2024.

Họa 1:

Tình chung

Đất khách bao xuân lặng lẽ sang

Đớn đau dằng dặc khó nguôi ngang

Bảy lăm ôm hận tình dang dở

Bốn chín năm qua xót nghĩa vàng

Khăn đỏ trùm đầu em nuốt lệ

Tai bèo úp mặt nó giăng ràng

Tình ta đôi ngã sắc son giữ

Dẫu đợi chờ bao chẳng muộn màng.

 

Tâm Quã

Họa 2:

Mùa xuân không đến

Thời gian lặng lẽ tháng Tư sang
Thời thế nhiễu nhương thật trái ngang
Ông xuống làm thằng đi hốt rác
Đốc tờ cầm cuốc nát tay vàng
Giáo sư chặt nứa khiêng từng bó
Bác vật cắt tranh buộc cọng ràng
Bốn chín năm qua đời nghiệt ngã
Đến nay nhắc lại mấy ai màng ?!!

Nguyễn Cang
Mar. 29, 2024

Họa 3:

Tội đồ vô vọng

Trưởng giả vi xi cố học sang
Quần là áo lụa bước nghênh ngang
Vẫn không dấu được chưn phèn mốc
Quanh cổ khoe khoang lắm chuổi vàng
Đức hạnh người khôn chìm quá tối
Gian manh kẻ dại hiện ràng ràng
Ăn năn sửa đổi dù sao nữa
Sám hối đi tu chẳng muộn màng

THT

Họa 4:

Lễ Hội Hoa Anh Đào DC

Một dãy hoa đào trông rất sang
Dòng Potomac vẫn nằm ngang
Lăn tăn mặt nước theo cơn gió
Lác đác trên sông gợn sóng vàng
Ong bướm tới lui vờn hút mật
Vo ve khoảnh khắc thấy chàng ràng
DC nổi tiếng hoa đào đẹp
Du khách đến xem dẫu muộn màng

Hương Lệ Oanh VA
Mar. 30, 2024

Họa 5:

Cảnh xuân

Đào nở rợp trời trông rất sang
Hướng theo chiều dọc lẫn bề ngang
Hoàng hôn lững thững quanh bờ suối
Cảnh vật lung linh dưới nắng vàng
Lữ khách về đây xem thắng cảnh
Người đông rảo bước đứng chàng ràng
Nơi này nhộn nhịp khi xuân đến
Chờ đợi bao lâu cũng chẳng màng

PTL

Mar. 2024

Họa 6:

 

Xuân của ngày xưa

Vũ trụ tưng bừng đón tết sang.
Trời xanh đầy nắng én xuyên ngang,
Chào xuân đào nở muôn hoa thắm,
Thuận tiết mai khoe vạn cánh vàng.
Sân dựng cây nêu cao chót vót,
Nhà treo liễn đối đỏ ràng ràng.
Nhớ về nếp cũ trăm năm trước,
Nay đã nhòa phai mấy kẻ màng?

Minh Tâm

1. Tân nhạc: xuân tha hương

Ca sĩ: Như Hoa

https://www.youtube.com/watch?v=e5rziJWYsXM

2. Tân cổ: xuân tha hương

Nghệ sĩ: Nguyễn văn Khởi & Kim Luận

 

https://www.youtube.com/watch?v=s8f2nK7Gsfw

 

 

 

 

 

 

Những Dòng Thơ Tháng Tư Đen - PTL, Nguyễn Cang, THT

 

NHỮNG DÒNG THƠ THÁNG TƯ ĐEN

Thói đời




Hạm trưởng Lê Bá Hùng tàu khu trục USS Lassen năm 2009 cặp bến Đà nẳng

 

1. Thói đời

 Năm bảy lăm bị anh xua đuổi
Nay trở về anh trổi hoan ca
Anh
nào quý mến dân ta
Chỉ hòng bòn xén đô la của người
 
Hãy
bình tâm nhịn cười nhìn kỹ
Anh thật lòng hoan hỉ vô cùng
Nào anh có điếc có khùng
Nhưng anh mở miệng “anh hùng của tôi”
 
Nếu tôi vẫn tả tơi khố rách
Anh đi tìm ngõ ngách bỏ tù
Anh nào có dại có ngu
Mà anh chỉ biết cái lu đồng tiền
 
Tháng 11 năm 2009

PTL 

2. Người ở lại

Chiều tàn đồi núi hoang vu
Hoàng hôn buông xuống khói mù hắt hiu
Chim bay mỏi cánh đường chiều
Chạnh lòng nghe thấy ít nhiều hư vô
Rừng thưa rải rác nấm mồ
Nghe chừng thác đổ trận đồ năm xưa
Anh nằm gió lạnh đong đưa
Bốn lăm năm lẻ chưa về gặp nhau
Người đi bỏ áo chiến bào
Trần gian cát bụi bay vào hư không
Dọc bờ sóng biển mông mênh
Thuận An* thân xác lênh đênh giữa dòng
Gọi hồn cuối bãi ngoài sông
Vùi thây biển mặn long đong tháng ngày
Thương người góa phụ bi ai
Trăm năm cổ mộ khóc hoài nghìn thu . 

Nguyễn Cang

26/4/21

*Thuận An: cửa biển chết người trong cuộc di tản 1975.

 3. Xuân nguyện cầu 

Biết ai hèn hạ biết ai sang
Lẫn lộn vàng thau đứng ngổn ngang
Đất nước sản sinh loài quỷ đỏ 
Nhân dân xuất hiện tấm lòng vàng
Chóp bu lãnh đạo đầu mù tịt
Quần chúng ngu đen óc rõ ràng
Cầu mong Thượng Đế ban ơn
Phước
Cho Việt Nam mình được mở
mang

THT 

 

 

Tiếng Ve Sầu & Cơn Mưa Trong Lòng - Nguyễn Thị Châu

 TIẾNG VE SẦU

 














Nắng Hạ ngoài sân rực ánh vàng

Gió lay nhè nhẹ lá bay sang

Nhặt chiếc lá rơi lòng xao xuyến

Lại một mùa hoa Phượng đỏ hồng

 

Nghe tiếng ca vang khúc ve sầu

Ngân nga, tha thiết, khúc tình sâu

Gởi trao, lưu luyến ngày xa cách

Nhớ thương, thương nhớ mối tình đầu

 

Tuổi ngọc, tuổi ngà cùng trang sách

Ước mơ, mơ ước, tuổi học sinh

Trao nhau lưu luyến, ngày xa cách

Ép cánh hoa xinh đậm nghĩa tình

 

Nghe tiếng ve ngân gọi Hè về

Nhạc buồn vang mãi,ôi! Tái tê

Thời gian rồi cũng qua mãi mãi

Kẻ ở, người đi, người trở về

 

Mái trường chung bước ngày hai buổi

Cười nói, vui tươi, bạn với ta

Tay nắm tay nhau, không rời bước

Bây giờ đôi ngã lệ chan hoà….!!!

 

17-4-2024

Nguyễn thị Châu

 

CƠN MƯA TRONG LÒNG

 

Đã lâu chợt nhớ trang mặc khách

Ngày ấy từ đâu? Ghé thăm nhà

Cùng nhau đối ẩm hương trà

Cho nhau mật ngọt đậm đà trao duyên

 

Rồi cứ hoàng hôn, hoàng hôn đến

Tôi vẫn nghe tiếng bước bên song

Để tôi xao xuyến trong lòng

Thì ra tôi đã phải lòng người dưng

 

Nhìn trăng, cũng thấy trăng huyền ảo

Cảnh vật bên ngoài, cũng rất vui

Chút bâng khuâng, dạ bùi ngùi

Gặp nhau chỉ để tìm vui nhất thời …

 

Một đêm vắng lặng, ngoài song cửa

Khách đã đi rồi, đêm gió mưa

Hương trà phai nhạt lưa thưa

Mình tôi lặng lẽ, cơn mưa trong lòng….!!!

 

17-4-2024

Nguyễn thị Châu

 

Tôi Về: Hồi Ức Tháng Tư - Nguyễn Cang

 

TÔI VỀ: HỒI ỨC THÁNG TƯ

(phần I) TÔI ĐƯỢC THA




 

Khoảng cuối năm 1978 tôi được “tha về” từ trại tù Bùi Gia Phúc ( thuộc tỉnh Phước Long) . Không có niềm vui nào bằng thoát khỏi cảnh tù tội. Người ta thường nói “Nhật nhật tại tù thiên thu tại ngoại” đó sao! Tôi như con chim sổ lồng từ cái lồng kẽm gai đệm lớp lồ ô vạt nhọn. Xin vĩnh biệt trại tù Phước Long, vĩnh biệt phòng giam ọp ẹp, vĩnh biệt những những ngày lao động vất vả thiếu ăn, vĩnh biệt chốn lưu đày nghiệt ngã …Tôi và anh bạn tù Phan Văn Nam được thả ra cùng một lượt. Sau khi làm xong thủ tục giấy tờ chúng tôi bước nhanh ra khỏi cổng như bị ma đuổi vì sợ quản giáo đổi ý, bất ngờ kêu lại. Anh Nam còn dặn tôi đừng ngước đầu nhìn lại trại giam sợ có cô hồn!

Đồ đạc tư trang chúng tôi bỏ lại gần hết cho bạn bè nên thân nhẹ thênh thang. Chúng tôi cuốc bộ tới “Ngã Ba” cách cầu Đắc Luông độ một cây số , đón  xe đò về tỉnh Phước Bình, từ đó sang xe đò về Sài Gòn. Đợi một lúc lâu không thấy chiếc xe khách nào nên chúng tôi tiếp tục cuốc bộ. Đường tuy xa thăm thẳm nhưng chúng tôi không thấy mệt vì mình được tự do, tự dưng có thêm sức mạnh lạ thường . Khi hoàng hôn vừa buông xuống thì chúng tôi tới một nơi có nhiều nhà cửa, mà không biết nơi đây là đâu, để tìm chỗ ngủ tạm thời,  sáng mai đi tiếp.  Bất ngờ chúng tôi thấy phía trước có một ngôi chùa, bèn xin vào tá túc qua đêm. Một bà ni sư tuổi độ 50, đem cho chúng tôi mượn 2 chiếc chiếu, trải bên hiên chùa để chúng tôi nằm ngủ. Suốt đêm chúng tôi không ngủ vì nôn nao trông cho trời mau sáng để đi về .Khi nghe tiếng gà gáy sáng thì đồng hồ chỉ 4 giờ, chúng tôi thức dậy, dọn dẹp đồ đạc, xếp chiếu lại dựng trước cửa phòng rồi nhẹ bước đi ra, không lời từ biệt ni sư vì lúc đó trời còn tối sợ phá giấc ngủ của sư. Sương khuya giăng phủ đầy trời, hai tay ôm sát vào ngực, lạnh thấm vào thân thể gầy còm xác xơ. Sau cùng chúng tôi ra tới phố chợ Phước Thành, đón xe đò về Sài Gòn còn anh bạn Nam thì về Vũng Tàu, chúng tôi chia tay từ đây, hẹn ngày tái ngộ tại Sài Gòn, tôi cho bạn địa chỉ nhà ở Tân Quy Đông Nhà Bè. nhưng cho mãi tới nay, hơn nửa thế kỷ trôi qua tôi cũng chưa gặp lại bạn. Không biết bây giờ bạn ấy ra sao, sống chết thế nảo?

        Tôi về tới nhà đúng 10 giờ tối, lúc nầy mọi người đều đi ngủ, tôi gõ mạnh cửa, gọi tên vợ con nhưng không có tiếng trả lời, bỗng chị Bảy Tâm hàng xóm không biết từ đâu bước tới nhận ra tôi bèn reo lên: Anh Tư ( Nguyễn Cang)  về rồi nè chị Tư ơi! Rồi chị nói : Để em về nhà lấy chìa khóa mở cửa, tháng rồi vợ anh có gởi chìa khóa nhà em. Tôi nghe hụt hẫng, một nỗi buồn như xé con tim, tại sao vợ con đi đâu cả ? Chị Tâm trở lại, tôi hỏi nhanh: Vợ con tôi đi đâu rồi chị Tâm ? Chị đáp: Nghe chị Tư nói xuống Mỹ Tho làm mướn kiếm gạo, còn mấy đứa nhỏ thì gởi về bà nội ở Tây Ninh !Tôi nghe đau nhói trong lòng, cửa nhà sa sút đến thế sao? Hai mắt cay xè ! Nhớ tới mấy lần thăm nuôi vợ mang đồ ăn tiếp tế` nào đường, mắm ruốc, đậu phọng… tôi mới hiểu sự vất vả, dè xẻn của vợ để mua cho tôi những thứ đó, tôi bỗng dưng thấy nghèn nghẹn trong cổ họng.

Độ 4,5 ngày sau có người xuống Mỹ Tho nhắn vợ tôi về, gặp lại tôi nàng mừng lắm như chết đi sống lại, rồi một  tháng sau nàng lên Tây Ninh, mang đủ mấy đứa con trở về, tất cả còn nguyên vẹn chỉ khác một điểm là đứa nào cũng đen đúa, khét nắng vì hằng ngày chúng thường lội ruộng bắt cá, hay ra đồng bắt dế.

Về sống tại địa phương tôi tưởng sẽ được tự do bay nhảy, đi thăm cha mẹ, bà con, bạn bè nhưng không thể vì còn bị quản chế 6 tháng. Mỗi tuần tôi phải trình diện công an, báo cáo những việc đã làm trong tuần. Điều làm tôi khổ tâm là không biết làm gì để phụ vợ kiếm tiền nuôi con, muốn chạy xe ôm, phụ hồ cũng không được vì tôi không được phép rời xã để qua Sài Gòn hay nơi khác. Ngoài ra còn bị áp lực buộc đi kinh tế mới nhường nhà cho người khác. Ở trong tù sự kềm kẹp thật khắc nghiệt, ra ngoài xã hội cũng không kém. Bà con lối xóm không ai dám đến nhà  tôi chơi hay chào hỏi lúc gặp ngoài đường. Tôi thật sự bị cô lập giữa thế giới loài người trên chính quê hương mình. Tôi tủi thân tủi phận cho kiếp nhân sinh. Một hôm trên đường ra chợ gần nhà bất chợt tôi đụng đầu một anh bạn từng dạy học chung ở Gò Công, tôi mừng rỡ kêu lên : Anh Tiếp! Anh ngỡ ngàng nhìn tôi ra vẽ ái ngại, nói vài câu xã giao rồi vội vã bỏ đi, sợ có ai trông thấy.  Tôi ngơ ngác như trời trồng, biết thân phận mình là kẻ bị ghép tội sĩ quan biệt phái Bộ Giáo Dục nên ai cũng sợ bị liên lụy. Ôi, thói đời sao lắm chua cay, độc ác! 

 

(Mời xem tiếp phần II)

Nguyễn Cang (Apr. 13, 2024)   

 

 

Tôi Đã Khóc - Dư Thị Diễm Buồn

 TÔI ĐÃ KHÓC




                                   

 











Tôi đã khóc từ khi rời lòng mẹ                               

Sợ hay mừng đời đã tiếp nhận tôi                        

Và từ đó một hình hài nhỏ bé                           

Lớn khôn dần ngọt sữa mẹ thơm môi                 

           

Tôi đã khóc mẹ dãi dầu cơ cực                          

Vì cha còn nặng nợ bước chinh nhân                  

Nghĩa hy sinh trong tim người thắm rực            

Dưỡng dục con còn lận đận nuôi chồng             

 

Tôi đã khóc mẹ ra đi vĩnh viễn                               

Bởi giặc về đã cày nát xóm thôn                         

Những đạn pháo vô tình gây tai biến                  

Người đớn đau quằn quại trút linh hồn                         

 

Tôi đã khóc tối ba mươi hôm đó                     

Tháng tư buồn vụn vỡ bảy mươi lăm               

Những con tàu vượt trùng dương sóng gió       

Chở bao người mang thống khổ hờn căm         

 

Tôi đã khóc được tin anh ngã gục                        

Trong trại giam cải tạo tận Miền Trung              

Mười mấy năm, niềm tin không rã mục         

Chí kiên cường khó lay động chuyển rung

           

Tôi đã khóc cảnh quê nhà điêu đứng                  

Mỗi địa danh mang chiến sử oai hùng            

Đã bao đời ông cha ta gầy dựng                                   

Nay còn chăng, những hoang phế tàn vong  

 

Tôi đã khóc suốt quãng đời lưu lạc                      

Khóc cho người và khóc cả cho tôi                       

Bao tang tóc, bao lầm than dân tộc                     

Đoạn trường này còn khóc mãi khôn nguôi      

 

Dư Thị Diễm Buồn

Trích trong tuyển tập văn&thơ

“Bóng Thời Gian.2” phát hành mùa xuân 2024.

 

 

Thơ: Dư Thị Diễm Buồn

Nhạc & ca: Nguyên Bích

https://www.youtube.com/watch?v=HYPERLINK "https://www.youtube.com/watch?v=2ZcMoxdgSI4&t=140s"2HYPERLINK "https://www.youtube.com/watch?v=2ZcMoxdgSI4&t=140s"ZcMoxdgSIHYPERLINK "https://www.youtube.com/watch?v=2ZcMoxdgSI4&t=140s"4HYPERLINK "https://www.youtube.com/watch?v=2ZcMoxdgSI4&t=140s"&HYPERLINK "https://www.youtube.com/watch?v=2ZcMoxdgSI4&t=140s"t=HYPERLINK "https://www.youtube.com/watch?v=2ZcMoxdgSI4&t=140s"140HYPERLINK "https://www.youtube.com/watch?v=2ZcMoxdgSI4&t=140s"s

 

Nguyên Bích tên thật là Nguyễn Văn Bích sinh năm 1944 tại Hà Nội, di cư vào nam năm 1954, sống và lớn lên tại Saigon. Học trung học tại các trường Nguyễn Bá Tòng, Hàn Thuyên, Phan Sào Nam và Chu Văn An. Tốt nghiệp YKĐH Saigon khóa 1963-1970, cũng là cựu Sinh Viên Quân Y tốt nghiệp khóa HD17. Ra trường phục vụ tại SĐ9BB, năm 1975 là Tiểu đoàn phó TĐ9QY. Sau tháng 4/1975 bị đi tù cải tạo, đến 1977 thì được tạm tha, được chỉ định làm BS phòng cấp cứu kiêm BS gây mê BV An Nhơn Tây Củ Chi. Tháng 5/1979 cùng với vợ vượt biên sang được Mã Lai, ở trại tỵ nạn Pulau Tengah, được định cư tại Mỹ tháng 9/1979 tại Houston. Vợ đi làm, chồng đi học, làm residency tại UTMB Galveston, bắt đầu hành nghề lại làm BS gia đình tại Houston từ tháng 7/1988 cho tới nay. Dự định về hưu năm 2023.

 

Với lòng chân thành xin đa tạ và biết ơn nhạc sĩ Nguyên Bích đã cho một người mới viết vì sở thích, vì đam mê như DTDB niềm vui lớn. Nếu không được anh phổ nhạc, thì tôi nghĩ rằng bài thơ “Tôi Đã Khóc” sẽ không được nhiều người biết đến và chiếu cố như vậy... Bởi: “...Tôi đã khóc suốt quãng đời lưu lạc/ Khóc cho người và khóc cả cho tôi/ Bao tang tóc, bao lầm than dân tộc/ Đoạn trường này còn khóc mãi khôn nguôi...”.

 

 

 

Monday, April 15, 2024

Phố Chiều Theo Em Về - Nguyễn Đạm Luân

 Phố Chiều Theo Em Về 




Không Là Nắng Gò Dầu - Thuyên Huy

 Không Là Nắng Gò Dầu

 













Ở đây bây giờ trời nắng hạ

Nhưng không là nắng hạ Gò Dầu

Nắng bên sông Vàm chiều bóng ngã

Tan trường qua cầu người bước mau

 

Tôi từ làng nghèo ra chợ quận

Tình cờ mình lại học chung trường

Chưa quen nhưng hồn ngơ hồn ngẩn

Đường theo sau về cứ vấn vương

 

Lối vào nhà người hoa phượng đỏ

Tiếng ve nức nở gọi hè về

Chia tay nắng hạ chiều hôm đó

Cuối đường mình bước ở bước đi

 

Tựu trường trở lại năm học cuối

Sân trường xao xác phượng muộn rơi

Lớp xưa đã không còn người cũ

Đường chiều về đơn độc mình tôi

 

Gò Dầu bây giờ còn nắng hạ

Sông Vàm còn chiều ngã bóng xưa

Tôi hơn nửa đời nơi xứ lạ

Hơn nửa đời người đã như mơ

 

Thuyên Huy